Tu viện Khánh An

Chiêm Bái Đền Phật Borobudur

Borobudur là một kỳ quan Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới được xây dựng vào thế kỷ thứ VIII, toạ lạc tại phía Bắc thành phố Yogyakarta, đảo Java, Indonesia. Để đến được Borobudur phải quá cảnh 01 đêm tại Singapore và sáng sớm hôm sau bay tiếp đến sân bay Yogyakarta.
Danh mục: 
Đời sống - Tu học

Borobudur tiếng Indonesia có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao". Toàn bộ tháp do 300 nghìn viên đá xếp thành, được xây dựng trên một mặt bằng hình vuông rộng 2500 m², theo mô hình của một Mạn-đà-la là sơ đồ về khái niệm vũ trụ của Phật giáo Tây Tạng. 


 



Borobudur cao 42m, gồm 12 tầng lớn, nhỏ, vuông, tròn xen kẽ nối tiếp nhau. Chiều dài mỗi mặt ở chân đền là 123m. Móng tháp là một đài hình vuông có cạnh là 123m. Phía trên là 06 tầng hình vuông cắt góc mỗi cạnh lần lượt là 120, 89, 69, 61, 54, 58m, tượng trưng cho mặt đất mênh mông. Ba tầng còn lại hình tròn có đường kính lần lượt là 51, 38, 26m tượng trưng cho vũ trụ bao la hùng vĩ. Trên ba tầng này còn có rất nhiều tháp nhỏ trông giống như những cái sọt, nên có người còn gọi Borobudur là “Sọt Phật Java". 

 

Lúc hoàn thành Borobudur có 602 pho tượng Phật, nhưng nay một số đã bị mất cắp chỉ còn 504 pho tượng.

 

Nhìn từ xa, Borobudur giống như một ngọn đồi hay một kim tự tháp với nhiều tượng Phật và bảo tháp, công trình được xây dựng và tạc bằng một loại đá núi lửa màu xám khai thác trên đảo Java.

 

Kiến trúc tổng quát của ngôi đền chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới của Ta bà : các tầng thấp nhất là tầng Dục giới, tiếp theo là Sắc giới và những tầng trên hết cùng là Vô sắc giới. Đối với các tín đồ Phật giáo thì Borobudur là đại diện cho Phật giáo thực nghiệm. Họ có thể dễ dàng hình dung quá trình tu luyện của bản thân qua kiến trúc đền.

 

Muốn vào Đền Borobudur phải bắt đầu từ cổng phía đông, đi theo chiều kim đồng hồ, mỗi tầng đều có bậc thang để lên tầng cao hơn, hết tầng này đến tầng khác. Trên vách đá các tầng là cảnh tượng điêu khắc của Dục giới, phô bày những cảnh tượng của thế giới tham dục (kamadhatu), gồm đủ loại chúng sinh như quỷ đói, súc sinh, loài người, các cảnh tượng tham lam, những xung năng thấp kém, tham dục và hận thù. 

 

Tiếp theo là cảnh tượng của Sắc giới gồm những bậc thánh nhân, và sau hết là các thiên nhân thuộc Vô sắc giới. Những tầng cao hơn hết kể lại sự tích tiền thân của Đức Phật trong nhiều kiếp trước, sau đó là ngày đản sinh, ngày Đức Phật từ bỏ cung điện đi tìm đạo, ngày đạt được giác ngộ, và ngày Đức Phật thành đạo…




Đoàn chúng con may mắn được vào Đền sớm và trong thời gian trong khuôn viên Đền chúng con được thực tập thiền hành (tầng cao nhất đi 13 vòng và các tầng còn lại đi 1 vòng), cùng nhau đọc 1 thời Kinh, khi đó thì toàn bộ các cửa Đền vẫn được đóng chưa đóng khách thập phương, nhờ vậy mà đoàn thực sự có được thời gian tĩnh tâm, có mặt cho nhau, thật an nhiên và hạnh phúc khi cả nhà cùng đắm chìm và tận hưởng nguồn năng lượng vô cùng linh thiêng của Khu Đền Borpbudur trang nghiêm và hùng vĩ này. 

 

Ngoài thời gian tham quan Đền Borobudur đoàn còn được đi thêm 2 Đền nhỏ và vào khu làng cổ xem cuộc sống người dân tại Yoya. Tại đây mọi thứ đều nhẹ nhàng, nhìn cách họ ăn mặc, mưu sinh có thể hiểu cuộc sống họ rất đơn sơ, nhưng hầu như trên gương mặt họ không chút căng thẳng, luôn sẵn sàng nở nụ cười.

 



Đoàn hữu duyên được quen biết Tony - anh  hướng dẫn viên cho đoàn. Anh không theo đạo Phật, nhưng rất am hiểu Phật pháp, trông anh  rất hiền lành,  tận tâm, chu đáo từng bữa ăn cho cả đoàn. Anh giải thích rất rõ về từng bức hoạ khắc trên các phiến đá, điều ấn tượng ở anh là từ mờ sáng,  đã tặng cho cả đoàn quyển cẩm nang viếng thăm khu này lại có hình một vị Thầy mà con quen biết thật là hữu duyên và rất hoan hỷ. Ngoài ra Tony cũng giới thiệu thêm về hành trình của đời người. Anh chia sẻ: 

 

Cuộc đời con người đơn giản là đi từ chữ B (Birth - sinh) sang chữ D (Death - tử). Tuy nhiên, giữa B & D thì người ta lại có chữ C: Chance (Cơ hội), Choice (Lựa chọn), Change (Thay đổi)

 




Vậy nên, kết cục của quá trình đi từ B đến D của từng người sẽ tuỳ thuộc vào cách người ta sử dụng 3 chữ C của mình thế nào. 

 

Thầm cám ơn anh những ngôn từ giản đơn nhưng hàm chứa chất Phật thật ý nghĩa và đáng cho mọi người chiêm nghiệm về cuộc đời của mình nhiều hơn nên làm gì và không nên làm gì. 

 

Biết ơn chuyến đi đã cho con cảm nhận được sự mầu nhiệm khi luôn có  "Tín tâm " hướng về Tam Bảo. Biết ơn tất cả nhân duyên lành. 

 

Lệ Mai 

Bài viết liên quan