Tổ Tiên
Hồi nhỏ, mẹ thường hay dùng hai chữ Ông Bà để chỉ cho Phật, Bồ Tát và Tiên Tổ nhà mình. Thế nên, Phật hay Bồ Tát với mình trở nên gần gũi làm sao. Càng đi trên con đường Đạo, chiêm nghiệm về hai chữ Ông Bà, kỳ thực chư Phật, chư Bồ Tát nào xa lạ với chúng mình đâu…
“Thắp nhang cho Ông Bà đi con”, là câu nói mình nghe hầu như mỗi ngày khi ở nhà với mẹ. Quan niệm “biết nhớ nghĩ đến Ông Bà mới là con cháu ngoan” mà từ đó hạt giống cội nguồn được tưới tẩm cho tận hôm nay. Đời – Đạo dung thông, càng thấm mình vào Đạo chúng ta càng dễ dàng trở nên thấu cảm trước những tinh túy của cuộc đời. Và cũng từ lẽ đời bình dị mà Ông Bà đã dẫn mình vào Đạo lúc nào không hay.
Và rồi, khái niệm Tổ Tiên với mình không còn bị cô động trong phạm vi gia đình nữa mà dần dần cũng rộng mở hơn. Ở chùa mình có Thầy, có Tổ và khi đi học mình lại có thêm Tổ, thêm Thầy. Những ngày qua học Sơ cấp Phật học ở Giác Lâm, tâm đạo những học Tăng - học Ni trẻ như mình chắc hẳn sẽ được nuôi dưỡng thật nhiều. Một xúc cảm… khó có thể nói nên lời. Có những ngày sau buổi học, mình vào quỳ mộp dưới bàn Tổ, chẳng mong ước, chẳng nguyện cầu mà chỉ duy nhất tâm niệm biết ơn.
Thật ra thì, khi phát triển được lòng biết ơn, bất cứ nơi nào chúng ta ngồi cũng đều trở thành Đất Tổ. Và Tiên Tổ chẳng đâu xa, nơi nào mình có mặt, nơi đó có Tổ Tiên. Có phải, cái cội nguồn đáp nghĩa đền ơn mà Ông Bà mình để lại cũng muốn nhắc nhở chúng ta rằng: “Đền được ơn xa cũng phải đáp được nghĩa gần. Đáp nghĩa gần phải nhớ đến ơn xa”.
Trung Tuệ