Đại Lễ Phật Đản PL. 2563 Tại Tu Viện Khánh An
Trước giờ lễ, Thầy Viện chủ Thích Trí Chơnđã có Pháp thoại nói về ý nghĩa của Phật đản cũng như nghi thức Tắm Phật. Thầy dạy:
Theo truyền thống Mahayana đây là ngày đức Phật đản sinh, nhưng theo truyền thống của Hinayana là ngày kỷ niệm ba sự kiện lớn: đức Phật đản sinh, đức Phật thành đạo và đức Phật nhập Niết Bàn, hay còn gọi là lễ Tam Hợp, tháng Vesak. Ngày lễ này đã được Liên Hợp Quốc công nhận là lễ hội văn hóa tôn giáo toàn cầu vào ngày 15/12/1999, đất nước Việt Nam đã vinh danh đăng cai ba lần.
Đạo Phật thể hiện giá trị nhân văn, đạo đức, hòa bình, đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức Thế Tôn là một người tỉnh thức, còn chúng ta thì mê mờ, đánh mất đi bản tâm thanh tịnh, sáng ngời trong tâm. Đạo Phật là đạo giác ngộ, là thấy rõ chân tướng các pháp, hiện tượng thế gian. Đạo Phật còn là đạo giải thoát, đức Thế Tôn đã thoát khỏi sợi dây trói buộc của trần thế phàm tục. Ngài giã từ đời sống xa hoa, vợ đẹp con ngoan, cung điện nguy nga,…một sự chối bỏ vĩ đại. Chúng ta thì lại quì dưới chân ngài cầu xin những cái mà ngài chối bỏ.
Nhắc đến đạo Phật thì phải nhắc đến tinh thần từ bi, sự ban vui cứu khổ, đem niềm vui đến mọi người và giúp người bớt khổ. Từ bi là tình yêu thương rộng lớn, yêu người, yêu mình, yêu tất cả vạn loài chúng sanh. Đức Phật có tình thương yêu vô cùng rộng lớn đối với tất cả chúng sinh, cho nên Ngài được gọi là Đấng Từ Bi, đạo Phật được gọi là đạo Từ Bi.
Lịch sử nhân loại đã trải qua 5000 năm, với biết bao tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo cho đến nay. Liên Hợp Quốc đã chọn đạo Phật làm nền tảng đạo đức, định hướng cho nhân loại đi theo, thiết lập một nền hòa bình. Bên cạnh đó, hòa bình của mỗi quốc gia, của thế giới bị đe dọa bởi chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh, thiên tai,… Trước những hoàn cảnh đó, hình ảnh đạo Phật sáng ngời như biểu tượng của hòa bình. Vì vậy chúng ta may mắn là con của Phật, đi trên con đường của đức Phật, đang đi trên con đường của Đấng Tỉnh Thức và giáo lý của Ngài ứng dụng trong đời sống xã hội dù là nền văn hóa phương Đông hay phương Tây, văn minh hiện đại thế nào đi chăng nữa thì hình ảnh của đức Phật đều được tôn quý.
Chúng ta là những Phật tử hãy đem năm nguyên tắc đạo đức của đức Phật dạy: tôn trọng sự sống, tôn trọng tài sản, tôn trọng hạnh phúc gia đình, tôn trọng sự thật và tôn trọng trí tuệ đem vào cuộc đời, góp phần xây dựng phồn vinh, an lành và áp dụng vào hệ thống giáo dục – nền tảng thiết thực để xây dựng một xã hội vững bền. Hạnh phúc nằm ngay trong tay chúng ta !
Từ bi là một phép quán. Muốn có được tâm từ bi thì phải quán không thể học mà có được. Hãy thực tập quán từ bi, mong cho tất cả mọi người không hiềm hận, không ai cướp đoạt sinh mạng của ai, không ai gây đau khổ cho ai, không ai bị khổ về thân, về tâm…rồi dần dần chuyển năng lượng này cho cha mình, mẹ mình, người thân rồi đến những người không quen biết, đến những người thương mình, không thương mình, thậm chí những người gây đau khổ cho mình và tất cả vạn loài hữu tình, vô tình.
Kết thúc bài giảng, thầy viện chủ có lời nhắn nhủ đến quý Phật tử: chúng ta hãy bày tỏ lòng hân hoan chào đón đến đức Thế Tôn, bậc Thầy của chúng ta. Niềm vui đó sẽ vui hơn nếu chúng ta thực tập lời Phật dạy và thực hành có kết quả.
Sau pháp thoại, Tăng thân tu viện và quý Phật tử cùng thọ trì Sám Khánh Đản và thực hiện nghi thức tắm Phật thiêng liêng.
Đại lễ kết thúc, Phật tử dùng cơm trong niềm hoan hỷ ngày Phật đản sinh.
Vào buổi chiều cùng ngày, tu viện Khánh An đã tổ chức lễ Quy Y Tam Bảo cho hơn 50 thiện nam tín nữ gần xa, đem đến niềm vui, tín tâm trong sáng nơi thân tâm họ.
Tin: Trung Long, Ảnh: Trung Pháp.
Một số hình ảnh ghi nhận được: