TT. Thích Minh Quang chia sẻ với chủ đề “Một số kỹ năng cơ bản & Những điều cần lưu ý đối với người dẫn chương trình Phật giáo”

16/04/2024 9:22
Sáng nay, ngày 13/04/2024 tiếp tục diễn ra Khóa Đào tạo Người Dẫn Chương Trình Phật Giáo do Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM tổ chức tại Tu viện Khánh An, quận 12.

Toàn cảnh buổi học

Nội dung được chia sẻ đến buổi học này bao gồm các phân mục quan trọng, nhằm vào các kỹ năng chi tiết về mặt âm thanh ngữ điệu và hình thức biểu cảm của người MC dẫn chương trình Phật giáo. Thượng tọa nhận định trong một chương trình, sự kiện tổ chức được thành công viên mãn cần hội đủ ba yếu tố: Nội dung chương trình - Hình thức chương trình - Diễn biến chương trình. MC (Master of Ceremonies) là người đứng trước công chúng, dẫn dắt điều hành, tương tác với khán giả và hòa nhập vào sự kiện, nhằm điều khiển chương trình đi đúng vào nội dung đã soạn sẵn cho sự kiện đó. 

Người dẫn chương trình có nhiệm vụ kết nối với khán giả, tạo ấn tượng cho khán giả về chủ đề mà chúng ta muốn truyền tải, cần làm chủ thời lượng chương trình, làm chủ cảm xúc cá nhân, giữ gìn phong thái điềm tĩnh trước mọi tình huống diễn ra trong chương trình thực tế. Xây dựng nội dung kịch bản ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, không lan man vào những chi tiết không quan trọng. Người dẫn chương trình Phật giáo có trình độ nên thể hiện bản lĩnh khiến đại chúng tập trung tinh thần và hiểu rõ nội dung chủ đề mà sự kiện muốn truyền tải.

Thượng tọa Thích Minh Quang chia sẻ

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, khả năng Biểu cảm hay Nghệ thuật Diễn cảm của người dẫn chương trình là một yếu tố quyết định. Đồng thời, biểu cảm của khán giả cũng là điều cần quan tâm, người MC không những phải chu toàn trong việc bám sát nội dung của kịch bản chương trình, mà còn nên quan sát đến cảm xúc thái độ của người tham dự, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện tại, giữ gìn không khí chung của chương trình. 

Khâu chuẩn bị tiền kỳ chính là chủ chốt làm nên một chương trình, sự kiện thành công. Việc kiểm tra, nghiệm thu chất lượng sân khấu rất quan trọng trước khi chương trình, sự kiện diễn ra. Cần phải chạy thử chương trình; kiểm định các góc độ máy quay; các thiết bị âm thanh ánh sáng cần được đảm bảo về chất lượng; củng cố các kỹ năng cơ bản, không nên lơ là, chủ quan dựa vào kinh nghiệm hay kiến thức cá nhân.

Bằng nhiều năm kinh nghiệm nơi tự thân, Thượng tọa chia sẻ rất nhiều những kiến thức bổ ích, liên quan đến chủ đề của môn học. Thượng tọa hướng dẫn chi tiết về cách điều chỉnh hơi thở, âm vực, cân bằng và ổn định trạng thái của bản thân cũng như thái độ biểu cảm của đại chúng tham dự. Trong không khí học tập nghiêm túc nhưng không kém phần vui tươi, các học viên được tiếp thu, ghi nhận và học hỏi được rất nhiều những kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng thiết yếu đối với người MC, đặc biệt là người dẫn chương trình trong lĩnh vực Phật giáo. 

Sau bài giảng về nội dung chính của môn học, Thượng tọa cũng từ bi hoan hỷ, giải đáp thắc mắc những vấn đề liên quan đến công tác của người MC dẫn các chương trình Phật giáo. 

TT. Thích Trí Chơn phát biểu tri ân cũng như trao tặng lẵng hoa kỷ niệm đến với TT. Thích Minh Quang

Kết thúc buổi học, TT. Thích Trí Chơn, Phó Trưởng ban Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa TPHCM, Trụ trì Tu viện Khánh An đã phát biểu tri ân cũng như trao tặng lẵng hoa kỷ niệm đến với TT. Thích Minh Quang. Cũng trong buổi chiều cùng ngày, các học viên tham dự Khóa Đào tạo Người Dẫn Chương trình Phật giáo tiếp tục được học tập trong buổi học do TT. Thích Minh Nhẫn, Phó Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN chủ giảng với đề tài: “Thách thức và Cơ hội cho MC Phật giáo trong bối cảnh hiện đại & Sự giao thoa giữa truyền thông và Kỷ nguyên Kỹ thuật số”.

Thái Tuấn 

Tin Tức Liên Quan