Hồn thiêng của dân tộc Việt

23/03/2024 1:21


    Phật giáo truyền vào nước ta từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên và sớm thể nhập vào đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Có thể nói, Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và mở nước. Ngôi chùa chính là biểu tượng không thể tách rời đời sống sinh hoạt văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa tâm linh nói chung. Hòa thượng Mãn Giác có bài thơ miêu tả về mái chùa như sau:

“ Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của Tổ tông”

    Xuất phát từ nền tảng văn hóa làng xã của cộng đồng người Việt, trong quá trình hình thành và phát triển đất nước của từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử, mỗi ngôi chùa tại làng xã được tạo dựng có những nét kiến trúc, mỹ thuật riêng và cũng rất gần gũi, gắn bó với người dân để đáp ứng nhu cầu của dân tộc, của thời đại đặt ra trong mỗi thời kỳ. Ngôi chùa không chỉ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa làng xã mà còn trở thành biểu tượng của đất nước, của nền độc lập tự chủ phục hưng mọi giá trị văn hóa Việt kể từ khi chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử của Ngô Quyền vào năm 938.

    Hiện tại cả nước có khoảng 17.000 ngôi chùa, đã và đang sinh hoạt khắp cả nước, phục vụ cho nhu cầu tu tập cho Tăng Ni và Phật tử và tín ngưỡng của nhân dân. Điều đó minh chứng cho quá trình tiếp biến và hội nhập văn hóa Phật giáo sâu rộng vào đời sống thực tiễn của người dân trên nhiều phương diện, lĩnh vực, nhất là ở lĩnh vực kiến trúc. Ngôi chùa là mẫu hình kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo tiêu biểu hết sức kỳ đặc với sự phong phú và đa dạng. Mỗi ngôi chùa Việt Nam là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật riêng biệt mà không thể lẫn lộn với bất kỳ kiến trúc chùa tháp của đất nước Phật giáo khác.


    Vậy nguồn gốc, chức năng, tên gọi về các ngôi chùa tháp như thế nào?

   Đạo Phật khởi nguyên từ Ấn Độ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, sau đó được truyền sang các nước phương Đông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản... Đời sống sinh hoạt Tăng già ngay từ thời Đức Phật còn tại thế đã hình thành nên những tinh xá đầu tiên (ngôi chùa) để chư Tăng trú ngụ nhằm đáp ứng nhu cầu phát sinh đặt ra trong tiến trình tu tập, an trú, tịnh dưỡng và thuyết pháp độ sinh. Theo các bản kinh Nikaya ghi nhận và mô tả thì có hai tinh xá thành lập sớm nhất là tinh xá Trúc Lâm ở thành Vương Xá do vua Tần Bà Sa La tạo lập và tinh xá Kỳ Hoàn hay còn gọi là Kỳ Viên ở thành Xá Vệ do trưởng giả Cấp Cô Độc tạo dựng để cúng dường cho chúng Tăng cư trú và tu tập, thuyết pháp. Như vậy, tinh xá (Vihara) có thể hiểu là nơi chư Tăng, Tăng đoàn Phật giáo Ân Độ thời Phật còn tại thế trú xứ, trú ngụ để hành đạo. Ấn Độ dành cho Đức Phật và các thánh đệ tử của ngài, chư Tăng trú, nghỉ ngơi, thực hành thiền định, trao đổi Phật pháp hay thuyết giảng cho Phật tử, đây là kiểu kiến trúc ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo.

    Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, quá trình truyền bá đạo Phật diễn ra tại quốc gia nào thì kiến trúc các công trình dành cho chư Tăng trú xứ, hành đạo sẽ được tiếp biến và hội nhập theo nền tảng văn hóa kiến trúc nước đó. Các công trình kiến trúc này không chỉ là nơi trú xứ để chư Tăng sinh hoạt mà còn có thêm chức năng thờ phụng Đức Phật, Bồ tát, thánh thần, các vị Tổ sư khai sáng tông phải, tông môn và cả vị thầy bổn sư đã viên tịch. Đời sống sinh hoạt Tăng già và sự truyền bá chánh pháp cho Phật tử của mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi địa phương khác nhau làm cho kiến trúc tinh xá khởi thủy ban đầu khi Phật còn tại thế thay đổi dần dần phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoằng pháp để đáp ứng nhu cầu thời đại đặt ra.

    Do đó, tên gọi về các công trình kiến trúc Phật giáo cũng thay đổi khi được kiến tạo tại mỗi quốc gia khác nhau tùy thuộc vào chức năng hoằng hóa phù hợp tôn chỉ, đường lối của mỗi tông môn, hệ phái, tổ chức giáo hội, giáo phái. Hầu hết các ngôi chùa Nam tông ở Thái Lan gọi là “Whihan”, Miến Điện gọi là “Wihara”, Campuchia gọi là “Vihear”, ở Trung Quốc đều được gọi là “Tự” (). Riêng ở Việt Nam, về tên gọi các ngôi chùa rất phong phú với ý nghĩa là cơ sở thờ tự và tu hành của chư Tăng Ni, Phật tử như: chùa tháp, chùa chiền, tự viện, già lam, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Thậm chí ngôi chùa là nơi phát sinh chốn Tổ được gọi là Tổ đình, có những ngôi chùa được gọi là Quốc tự là do vua đứng ra xây dựng biểu trưng cho đời sống văn hóa tâm linh của quốc gia. Sở dĩ như vậy là do Phật giáo Việt Nam có nhiều truyền thống tu tập và tông môn, hệ phái khác nhau, cho nên có r gọi khác nhau, tùy thuộc vào chức năng và mục đích từng trú xứ nơi nhau ngôi chùa tọa lạc. Thế nhưng, dù mang những tên gọi khác s nhưng trong tâm khảm hầu hết người dân Việt Nam, ngôi chùa đã trở thành “hồn dân tộc” được họ gọi với cái tên quen thuộc, thân thương là “chùa” hay “chùa chiền”.


    Theo các nhà nghiên cứu thì danh từ “chùa” là tên gọi chỉ nơi thờ Phật và chư Tăng Ni tu học mà nguồn gốc của nó có lẽ là bắt nguồn từ “thùpa” của tiếng Pali hay “stùpa” của tiếng Sanskrit của Ấn Độ. Bởi lẽ kiến trúc ban đầu của chùa Việt Nam vào thời Phật giáo du nhập có dạng hình tháp do ảnh hưởng từ các nhà sư truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ sang nước ta. Theo các nhà ngôn ngữ thì từ “thùpa hay "stupa là từ đa âm tiết, tiếng Việt là tiếng đơn âm, vì vậy khi đi vào đời sống thực tiễn người dân Việt thu lại thành “thu” hay “stu” và từ đó trở thành “chùa”.

    Minh chứng cho ý kiến này, ta thấy trong thư tịch cổ văn học Phật giáo thời Lý - Trần, còn bảo lưu tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông vào thế kỷ XIII, đã dùng từ “chiền” trong từ ghép “chùa chiền” ở Hội thứ 8 qua câu: “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại tướng trang nghiêm, sự tướng hãy tu.”; và Hội thứ 10: “Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; / Chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hí.”, ý nói chùa chiền là nơi ở núi non thanh tịnh cho các vị tu hành, là am thanh vắng nơi không chỉ tu tập thiền định mà còn nơi tiêu dao và du ngoạn của đạo nhân (Đạo giáo) và dật sĩ (Nho giáo). Nguyễn Trãi vào thế kỷ XIV trong Quốc âm thi tập thì mô tả cảnh quan nơi ông ẩn dật thật sự là “cảnh ở tự chiền”. Rõ ràng trong ngôn ngữ cổ của người Việt, khi dùng từ “chiền” một cách độc lập có nghĩa là chỉ chùa chiền. Có ý kiến cho rằng từ “chiền” là từ có gốc từ từ “cetiya”, “cetiyan” trong tiếng Pali, hay từ “caitya” trong tiếng Sanskrit.

    Quá trình truyền bá đạo Phật vào Việt Nam đã hình thành nên Tăng sĩ ngoại quốc bao gồm các nhà sư Ấn Độ và các nước khác đến , Châu, cùng với các Tăng sĩ bản địa tu hành, dịch thuật, thuyết giảng và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho đồng bào Phật tử tại nước ta. Nhất là kể từ khi trung tâm Phật giáo Luy Lâu ra đời và trở thành trung tâm học thuật và tín ngưỡng lớn nhất châu Á vào thời Phật giáo du nhập và phát triển sau Công nguyên. Các ngôi chùa theo đó mà được kiến tạo lớn nhỏ khác nhau cho đến khi mỗi làng, mỗi xã đều có ít nhất một ngôi chùa theo mô hình “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” mà tổ tiên cha ông ta phát khởi và tạo dựng.

    Trải qua hơn 2000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam, hệ thống chùa chiền Việt Nam đã hình thành và phát triển với nhiều kiểu kiến trúc chùa cũng như Phật điện và các công trình chức năng như nhà Tổ, nhà phương trượng, nhà chúng, nhà giảng, nhà thư viện (Tàng kinh các)...


    Nhận xét về đặc điểm và vị thế của ngôi chùa ở nước ta trong nền văn hóa dân tộc, Hòa thượng Thích Đức Nhuận nhân giới thiệu tác phẩm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng đã viết như sau:

    “Đạo Phật, qua hình ảnh ngôi chùa, ngọn tháp là những biểu trưng sắc thái kiến trúc đặc biệt Việt Nam mang một sử tính của mỗi thời đại khác nhau, nhằm hiện đại hóa nếp sinh hoạt đạo Phật trong dân gian, để vừa phụng sự đạo pháp, vừa phụng sự dân tộc...”

   ...Việt Nam không có những đại kiến trúc Phật giáo khổng lồ, như Đế Thiên - Đế Thích của Campuchia, Borobudur của Java, Đôn Hoàng của Trung Hoa, Ajanta của Ấn Độ và các đại tháp hùng vĩ tráng lệ như Chiêm Thành, thế nhưng nhân dân Việt Nam vẫn có những ngôi chùa tuy không đồ sộ to lớn lắm, nhưng ở khắp nơi trong nước, làng nào cũng có ít nhất một ngôi chùa thờ Phật, đồng thời cũng là giảng đường để khai đạo, nhằm phục vụ hữu hiệu công cuộc ích quốc, lợi dân. “... Điều đáng chú ý nhất trong đời nhà Lý là các chùa tháp được kiến tạo rất nhiều. Tuy nhiên các chùa tháp được xây dựng trong thời kỳ này không đồ sộ, tốn kém như các chùa tháp của Chiêm Thành, của Campuchia, của Trung Hoa...”

    Qua đó, có thể thấy rằng người Việt Nam ta tiếp thu Phật giáo trên tinh thần biết đủ và ít ham muốn, xây dựng chùa chiền là nhằm phục vụ đời sống tâm linh của dân chúng. Thế nhưng không phải vì thế mà kiến trúc Phật giáo Việt Nam không có những công trình đặc sắc, độc đáo so với kiến trúc của các nước Phật giáo trên thế giới. Những tác phẩm nghệ thuật Tháp sứ Bát Tràng, Tháp nung Đại La, Gạch men Long Đội... nổi tiếng là nhờ độ tinh xảo và những họa tiết hoa văn mềm mại. Chùa Một Cột (Diên Ứng tự) là một kiến trúc nhỏ nhắn nhưng độc đáo. Hình tượng rồng cũng là những nét sáng tạo riêng của nghệ nhân người Việt. Những hình khắc trang trí trên các chi tiết kiến trúc cho thấy sự tinh tế và khéo léo của người thợ kiến trúc Việt Nam. Kiến trúc lăng mộ, tháp mộ, miếu thờ liên quan đến chùa cũng thể hiện sự khiêm tốn, nhún nhường nhưng thanh cao của cả một cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

     Nhìn chung, những ngôi chùa Việt Nam luôn gắn với kiến trúc và khung cảnh Việt Nam một cách hài hòa và tinh tế, phản ánh trình độ thẩm mỹ của người Việt. Đó là những kiến trúc ẩn khuất, không chỉ bày tỏ sự chan hòa với cộng đồng mà còn với cả thiên nhiên nữa. Tính khiêm nhượng của Phật giáo Việt Nam được ngôi chùa Việt thể hiện từ ngàn xưa là một điều cần được tiếp thu, gìn giữ.

Tuệ Định

Tin Tức Liên Quan